Lịch sử hình thành Thị trấn Xuân An
Lịch sử Thị trấn Xuân An
LỜI NÓI ĐẦU
––––––
Xuân An là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời được gìn giữ, phát huy qua các thời kỳ. Từ khi thành lập đến nay trải qua các chặng đường của lịch sử. Đảng bộ Xuân an đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để trưởng thành, phát triển. Lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, viết lên những trang sử hào hùng của quê hương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Đại biểu Đảng bộ Thị trấn Xuân An lần thứ XIX nhiệm kỳ ( 2005 - 2010). Xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân và con em Xuân An đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền đất nước và nước ngoài. Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Thị trấn Xuân An biên tập và xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Xuân An ( 1930 - 2005)”. Nhằm ghi chép lại chặng đường 75 năm chiến đấu vẻ vang đầy gian lao thử thách và vô cùng anh dũng trong công cuộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH, nhằm bước đầu tổng kết thành tích và kinh nhiệm lãnh đạo của Đảng bộ, từ đó giáo dục nâng cao nhận thức và lòng tự hào về quê hương là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước để tiếp tục phát huy năng lực trí tuệ của cán bộ, Đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, xây dựng Quê hương ngày càng giàu mạnh.
Trong quá trình chỉ đạo, biên tập, sưu tầm và xác minh tư liệu. Ban chỉ đạo, Ban biên tập đã nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Ban thường vụ Huyện uỷ, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, cán bộ, đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, nhiều bậc cao niên đã góp ý chân thành và đã cung cấp tư liệu, cứ liệu, sự kiện để đảm bảo được tính chính xác và khoa học.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trong quá trình sưu tầm, biên soạn còn gặp nhiều khó khăn về công tác lưu trữ tài liệu, số liệu, thời gian còn hạn chế. Vì vậy công tác biên tập nên cuốn Lịch sử không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được các đồng chí, đồng bào với tình cảm quê hương góp nhiều ý kiến xây dựng.
Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ - Ban chỉ đạo, Ban biên tập “ Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Xuân An” xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và sự chỉ đạo của cấp trên, sự góp ý chân thành đầy nhiệt tâm của Cán bộ, Đảng viên và nhân dân đã tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện để cuốn Lịch sử được hoàn thành và xuất bản.
Xuân An, ngày 22 tháng 11 năm 2008
THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THỊ TRẤN XUÂN AN.
BAN CHỈ ĐẠO BIÊN TẬP
1. | Trịnh Quốc Việt | Huyện UV, Bí thư BCH Đảng bộ | - Trưởng ban |
2. | Trần Đình Ân | Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ | - Phó ban |
3. | Phan Duy Khương | P.BT Đảng uỷ, Chủ tịch UBND | - Phó ban |
4. | Hoàng Mạnh Từ | Uỷ viên BTV Đ. Uỷ, Chủ tịch HĐND | - Ban viên |
5. | Đậu Thị Thuỷ | Uỷ viên BTV Đ.uỷ, Chủ tịch UBMTTQ | - Ban viên |
TỔ BIÊN TẬP VÀ SƯU TẦM
1. | Trần Duy Kha | - Tổ trưởng |
2. | Lê Anh Tài | |
3. | Ngô Quang Lộc | |
4. | Trần Quang Truyền | |
5. | Lê Năng | |
6. | Lê Thuý | |
7. | Lê Toại | |
8. | Trần Huy Tảo | - Chủ biên |
CHƯƠNG I.
THỊ TRẤN XUÂN AN - VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT GIÀU TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG.
––––––––
Thị trấn Xuân An xa xưa là đất Kẻ Lách - Kẻ Lau thuộc xã An Lạc tổng Tam Xuân và xã Khải Mông tổng Xuân Viên huyện Nghi Xuân, đất địa đầu của tỉnh Hà Tĩnh, nơi khởi đầu của Núi Hồng Lĩnh, có dòng Sông Lam uốn khúc chảy qua.
Núi Hồng và Sông Lam trên đất Xuân An, quyện chặt, bổ sung cho nhau tạo nên thế cân bằng đầy ý nghĩa:
" Nếu không có Sông Lam
Núi Hồng buồn biết mấy
Núi Hồng không đứng đấy
Sông Lam trông cũng thừa…
…Núi cao cho dáng đứng
Sông dài cho bước đi" ( Thơ Xuân Hoài)
I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CỦA THỊ TRẤN XUÂN AN.
Địa hình Thị trấn Xuân An gần giống hình thang lệch, có chiều dài gần 5km và chiều rộng 3km. Diện tích tự nhiên gần 15km2, nhưng đất nông nghiệp chỉ có 430 ha. Phía tây và bắc là Sông Lam bao bọc có độ dài gần 7 km, bên bờ bắc là thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Phía nam giáp 2 xã Xuân Hồng và Xuân Viên. Phía đông là xã Xuân Giang.
Địa lý tự nhiên của Thị trấn Xuân An có 4 đặc điểm nỗi trội hiếm có so với các nơi trong huyện Nghi Xuân và cả tỉnh Hà Tĩnh. Bốn đặc điểm ấy là: Cận sơn, Cận giang, Cận thành phố và là vùng đất địa đầu của huyện và tỉnh.
Những đặc điểm tự nhiên ấy suốt chiều dài lịch sử đã tác động sâu sắc và chi phối đời sống, để lại dấu ấn đậm nét trong cốt cách con người Xuân An.
1. Núi đồi.
Gần 2/3 diện tích tự nhiên của Thị trấn Xuân An là núi và đồi. Núi ở Xuân An là cụm núi cực bắc của dãy núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh.
Khởi đầu của núi Hồng Lĩnh ở Xuân An là Núi Cơm ( Phong Phạn) tuy chỉ cao trên 30 m nhưng là một danh sơn nổi tiếng ở xứ Nghệ. Cùng nằm ở bờ nam Sông Lam, nhưng xuôi về phía đông có Núi Ranh ( Núi Qũy, Núi Lão Qụa, Núi Thạch Định) cao chưa đầy 10m trải rộng 100 m2 trên đất thôn Trung Lộc. Tương truyền tên chữ của hai ngọn núi nhỏ này là Vua Lê Thánh Tông cuối thế kỷ XV đặt khi nhà Vua tuần du trên Sông Lam, ngự thuyền dưới chân núi trên đất Kẻ Lách vãn cảnh thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình.
Cách núi Cơm gần 500m, Núi Hồng Lĩnh bắt đầu đột khởi bởi núi Lách cao hơn 100 m, kéo dài gần 2km, uốn lượn, soi mình xuống Sông Lam, chếch về hướng đông nam là núi Lần, có độ cao 175m, tiếp đến là núi Tam Thai. Các núi này nối nhau tạo thành thế liên hoàn là địa giới tự nhiên của đất An Lạc, Khải Mông xưa với các xã Tam Xuân Hạ ( Xuân Hồng) và Xuân Viên.
Trên đỉnh Núi Lách, Lần, Tam Thai Hàm Rồng còn có nhiều hang động, truông, đầm, mỏm đá, …….với nhiều tên gọi nôm na, dân giả như: Truông trâu, Cụp voi, Đá thùng thùng, Đá gạo, Đá lưỡi cày… mà mỗi tên gọi đều gắn với các sự tích, truyền thuyết vô cùng sinh động, phản ánh thế giới tâm linh đa dạng và truyền thống văn hóa, yêu nước phong phú của người dân Kẻ Lách, Kẻ Lau…
Xa xưa núi đồi ở Thị trấn Xuân An là rừng rậm, có nhiều gỗ quý như lim, dổi, táu, vàng tâm… Trong núi có nhiều loài chim quý, nhiều thú như: khỉ, lợn rừng, nai rừng… và nhiều loài rắn, rùa, trăn… Núi rừng còn là nguồn nứa, lau, đót, lá nón, củi, mây, song nguồn lợi to tớn của nhân dân. Rừng rậm cung cấp mạch nước ngầm tưới mát, vườn tược, đồng ruồng.
Đáng tiếc là do bom đạn của chiến tranh và biến thiên lịch sử đã làm cho cây cối, muông thú và nước ngầm trên núi Hồng Lĩnh ở Xuân An bị cạn kiệt, làm cho rừng rậm thành núi trọc, đồi hoang, nạn lũ quét và hạn hán hai mùa mưa nắng hoành hành gây nên nhiều tai họa cho đời sống và sản xuất của nhân dân.
Sau ngày tổ quốc thống nhất, hơn 1/3 thế kỷ khôi phục và phát triển kinh tế, đảng bộ, nhân dân Xuân An và cán bộ công nhân Lâm trường Hồng Lĩnh đã trồng mới hàng vạn cây thông trên núi tạo nên cảnh quan ngày càng hấp dẫn. Dẫu chưa bằng xưa nhưng đã có dáng dấp nước, non hữu tình, kỳ thú như trong thơ của tiến sỹ NgôThời Nhậm ( 1746 - 1803) cuối thế kỷ 18 vịnh cảnh vùng đất An Lạc:
" Chống trời lũy đá muôn trùng vút
Chắn gió gò cao vạn dặm dài
Đất có công hầu, dòng nước mát
Trời sinh hào kiệt, ánh sao soi
Cảnh yên nỗi tiếng sao kể xiết
Sờ sờ danh nhân sử chép rồi"
Sản vật phong phú của núi đồi đã tạo nên các nghề: làm chổi đót, chằm nón, tơi, đốt củi, đốt than, thợ mộc ở Khải mông, An lạc.
2. Sông, suối.
Đoạn Sông Lam chảy qua địa phận Thị trấn Xuân An dài gần 7 km như một tấm lụa đào ôm trọn hai mặt tây và bắc của các xã An Lạc và Khải Mông. Đoạn sông này có hai khúc có hướng dòng chảy và chiều rộng của lòng sông khác nhau rõ rệt.
Khúc phía tây, từ Núi Cơm ngược Xuân Hồng lòng sộng phình ra, rộng trung bình 800m. Nhưng từ Núi Cơm xuôi xuống Khải Mông lại có hướng đông bắc, ở đoạn Núi Cơm do bị chắn bởi núi Dũng quyết ( Bến Thủy - Nghệ An ) ở bờ bắc và Núi cơm ở bờ nam lòng sông bị hẹp lại chỉ còn trên 500m tạo nện độ chênh của mực nước. Khi qua khỏi Núi Cơm lòng sông bắt đầu phình trở lại và đến núi Ranh lòng sộng rộng tới 1000 m.
Sự khác biệt về độ chênh và chiều rộng dòng chảy của Sông Lam ở Xuân An đã tạo nên bãi bồi lớn ở giữa dòng sông đối diện với phía đông nam làng Khải Mông. Đó là bãi Quần Mộc - nay là đất Xuân Giang 2.
Sông Lam là đường thủy huyết mạch xưa nay của cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ Bến Thủy trên đất Xuân An thuyền bè, ca nô có thể rong ruỗi đi đến hầu khắp các huyện ở hai tỉnh và ra Cửa Hội đến với mọi miền đất nước.
Sông Lam không chỉ cung cấp một phần nước ngọt cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người Xuân An mà còn là kho của cải về nguồn lợi thủy sản. Cá Sông Lam ngon, ngoài ra còn có hến, sò, cua, cáy, tôm, rạm… đặc biệt là rươi về mùa mưa là đặc sản quý có gia trị xuất khẩu. Sông Lam cũng là nơi sinh cơ lập nghiệp của người dân vạn chài đánh cá sông, chèo đò và vận tải đường sông.
Về mùa mưa, nước từ Núi Hồng Lĩnh chảy xuống đã tạo nên hơn 10 khe, suối, lớn nhỏ trên địa bàn Xuân An, khi bão lụt lớn, nước Sông Lam dâng cao lại dồn vào đồng ruộng, vườn tược trên đất Xuân An gây nên nhiều tổn thất. Song khác với ruộng đồng các xã Xuân Hồng, Xuân Lam nước lũ ngâmlâu ngày do nước Sông Lam rút chậm vì lòng sông khi qua Núi Cơm bị thu hẹp lại. Còn lũ lụt ở Xuân An lại nước rút nhanh vì lòng Sông Lam từ Rú Ranh trở xuống Khải Mông lại phình ra.
Trong số hơn 10 con khe, suối lớn nhỏ ở Xuân An chảy ra Sông Lam có các khe Thạch Giang ( Khe đá) ở Thượng Thôn và Khe Đồn ở Khải Mông có độ dài và là thắng cảnh từ xa xưa hơn các con khe khác.
Ngoài bến đò Bến Thủy ( Bến Ngự - nơi Vua Lê Thánh Tông và Quang Trung - Nguyễn Huệ xưa đã cho đậu thuyền tại bến), là bến đò chính ở Xuân An qua bờ Sông Lam, còn có hai bến đò phụ là Bến đò Đá Lưỡi cày ở Thượng Thôn đi qua vùng Hưng Lợi huyện Hưng Nguyên - NghệAn và bến Đồn ở Khải Mông đi sang bãi bồi Cồn Mộc (Xuân Giang 2).
3. Ruộng đất:
Đất nông nghiệp ở Xuân An có 630 ha trong đó có 430 gieo trồng, nhìn tổng thể, đất đai ở Thị trấn Xuân An chủ yếu là đất pha cát, diện tích được phù sa Sông Lam bồi đắp chỉ trên 100ha, số còn lại trên 4/5 của đất nông nghiệp độ phì kém, hàng năm bị lũ quét bào mòn, thường xuyên bị hạn hán.
Ngoài cây lúa và khoai là chủ yếu, đất Xuân An còn thích hợp với các cây công nghiệp ngắn ngày như: kê , lạc, đậu, vừng. Diện tích trồng lạc hiện nay lên đến hơn 200 ha trở thành cây trồng chính trong vụ sản xuất đông xuân. Đất trong vườn của dân ngoài các loại: hồng, cam, bưởi, na, chanh, quýt đã du nhập các loại cây mới như: xoài, nhãn, vãi, hồng xiêm…
Rau màu vụ đông xuân còn có: xu hào, bắp cải, cô ve, các loại rau gia vị như hành, tỏi, hẹ… và rau muống về mùa hè cũng phù hợp với thổ nhưỡng, được nhân dân trồng ngày càng nhiều.
Do chưa chủ động được tưới nước về mùa hạn hán và tiêu úng về mùa mưa lũ, nên sản xuất nông nghiệp ở Xuân An còn phụ thuộc vào thời tiết, thiếu tính bền vững, năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Ngoài nghề nông là chính, Thị trấn Xuân An ngày nay kinh tế ngày càng đa dạng bao gồm chăn nuôi vịt đàn, nuôi cá, thủ công và các ngành dịch vụ, buôn bán công nghệ phẩm và các loại hàng hóa vật tư phục vụ đời sống và sản xuất. Các xưởng sản xuất sữa chữa cơ khí nhỏ phát triển ngày càng nhiều, các cơ quan, xí nghiệp nhà nước và tư nhân có trên 60 đơn vị đang làm biến đổi đời sống kinh tế xã hội của Thị trấn. Khu công nghiệp Xuân An đã được quy hoạch, đang từng bước được xây dựng cơ sở hạ tầng, có nhiều triển vọng đưa Xuân An sớm trở thành một Thị trấn có công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển.
4. Khí hậu:
Cùng như các xã trong huyện Nghi Xuân, Thị trấn Xuân An chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa Tây Nam và Đông Bắc.
Gió mùa Tây Nam ( gió Lào) diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8 tiếp đến là gió mùa Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Điểm khác với các địa phương trong huyện là do vị trí, đặc thù của tự nhiên nên gió Lào và gió Đông bắc ở Thị trấn Xuân An có sức gió ở cấp độ cao hơn, vì dòng Sông Lam chảy đến Bến Thủy bị Núi Lách ở bờ nam và Núi Quyết ở bờ bắc, thu hẹp tạo thành điểm hút gió nên khi thổi qua Xuân An cường độ mạnh hơn ở nơi khác. Đặc điểm ấy làm cho khí hậu thêm khắc nghiệt, gây nên nhiều trở ngại cho sản xuất và đời sống nhiệt độ cao nhất về mùa hè có lúc lên đến 39 - 400C, và mùa đông cá biệt có năm nhiệt độ xuống 100C.
5. Cầu, đường và chợ.
Thị trấn Xuân An là đầu mối của nhiều đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ở Nghi Xuân và Hà Tĩnh.
Đường quốc lộ số I khi qua cầu Bến Thủy là đến đất Xuân An. Từ mố cầu phía nam, đường quốc lộ số I uốn lượn bên sườn núi Lách và mép bờ đông Sông Lam, dài 2km tạo nên hình sông, thế núi hữu tình. Đường này là đường thiên lý từ bắc vào nam có từ thời Bắc thuộc. Đến năm 1913 thực dân Pháp mới cải tạo thành đường quốc lộ cho xe cơ giới, đến 1925 mới rải nhựa xong đoạn Vinh đi Nha Trang, những năm đầu thế kỷ XX, lúc Bác Hồ còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ từ Nam Đàn đi bộ xuống Vinh qua đò Bến Thủy đã từng nghỉ chân dưới tán cây Da Lách, Sáng 15/6/1957 sau hơn nửa thế kỷ trong lần vào thăm Hà Tĩnh người mới trở lại bến đò xưa.
Năm 1991 Bộ giao thông vận tải khánh thành cầu sắt bắc qua Sông Lam dài hơn 635m ở hạ lưu bến phà Bến Thủy.
Sau 1925 đường tỉnh lộ Da Lách đi Hội Thống dài 20 km được thi công, đến năm 1943 mới được rải nhựa nhưng chỉ xuống đến huyện lỵ Nghi Xuân.
Tháng 6/ 1965 Ban đảm bảo giao thông vận tải Hà Tĩnh mở đường 18 từ ngã ba Trung Lộc Thị trấn Xuân An chạy vào xã Xuân Viên qua Xuân Lĩnh nối với quốc lộ I ở xã Đậu Liêu ( nay thuộc Thị Xã Hồng Lĩnh) để tránh đoạn quốc lộ I từ Xuân An vào Xuân Lam.
Thời gian làm đường chỉ mất 3 tháng. Lực lượng thi công gồm: Đội công trình giao thông, tổng đội thanh niên xung phong số 55 và hơn 300 dân công huyện Nghi Xuân. Riêng xã Xuân An có 1 trung đội dân công gồm 50 nam, nữ thanh niên.
Cũng từ thôn Trung Lộc, trước 1945 có đường liên hương đi xuống các xã ven biển nay được mở rộng thành đường huyện lộ nối Xuân An với Cương Gián xe ô tô đi lại thông suốt.
Trên quốc lộ I thuộc địa phận Xuân An có 2 cầu sắt và 2 cống lớn, trên tỉnh lộ Da Lách Hội Thống có 6 cầu sắt và 2 cống, cả 6 cây cầu này đều ngắn, độ dài chưa đầy 10m, đều là dòng chảy của các khe, suối từ trên núi Hồng Lĩnh đổ nước ra Sông Lam.
Ở Thị trấn Xuân An, từ lâu đời đã có chợ Lách và chợ Đồn, chợ Lách ban đầu hợp gần bến đò, sau nhiều lần di chuyển, nay chợ họp ở Thượng Thôn trên đường tỉnh lộ Da Lách đi Hội Thống.
Chợ Lách xưa nay là nơi trao đổi hàng hóa không chỉ của dân trong thị trấn mà bà con các xã Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Giang trong huyện và nhân dân Hưng Lợi, Vinh - Bến Thủy bền bờ Bắc Sông Lam ( Nghệ An) cũng sang hợp chợ.
II. KHÁI LƯỢC QÚA TRÌNH TỰ CƯ, HÌNH THÀNH LÀNG, XÃ, THỊ TRẤN Ở XUÂN AN.
Tháng 10/1962 đội khảo cổ học của vụ bảo tồn, bảo tàng Bộ văn hóa khai quật di chỉ văn hóa đồ đồng Đông Sơn ở di chí Núi Cơm xã Xuân An, đã tìm thấy nhiều công cụ bằng đồng thau như rìu đồng, rìu lưỡi xéo, lưỡi cày đồng, dạo và mũi tên đồng cùng với mảnh nồi nấu đồng còn dính xỉ đồng… Những hiện vật ấy chứng tỏ nghề đúc đồng ở đây là tại chỗ.
Tiếp đến trên đất Xuân An các nhà khảo cổ học còn tìm thấy đồ gốm thời Bắc thuộc ở di chỉ Núi Cơm, rải rác ven Sông Lam và trong đồng ruộng ở Thượng Thôn, Trung Lộc, Mộ củi thời Trần ở Cồn Cao Thượng Thôn.
Những hiện vật khảo cỗ ấy đã đưa đến nhận định của các nhà khoa học về sự tồn tại của con người Việt cổ trên đất Xuân An cách ngày nay trên dưới 3000 năm. Tương ứng với thời đại Hùng Vương với nền văn hóa Đồng thau Đông sơn. Nhận định ấy cũng rất phù hợp với các truyền thuyết lịch sử về Kinh Dương Vương lúc đầu lấy vợ cả là Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân đã chọn Hồng Lĩnh ở Hoan Châu làm cố đô. Về sau Lạc Long Quân theo cha ra xứ bắc lấy vợ là Âu Cơ chọn núi Nghĩa Lĩnh làm kinh tô của 18 đời vua Hùng trên đất Phú Thọ ngày nay.
Cư dân đầu tiên sinh sống trên đất Xuân An chính là bộ tộc người Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước, trải qua gần 1000 năm Bắc thuộc và đến buổi đầu quốc gia Đại Việt tự chủ đã trở thành làng xóm: đó là Kẻ Lách, Kẻ Lau là Khải Mông ở các Triều đại Lý Trần, nơi có chùa Thanh Lương được lập thời nhà Lý, được xem là " Quốc tự".
Từ Kẻ Lau, Kẻ Lách, Khải mông đến trước 1945 trở thành xã An Lạc có 3 làng; Thượng Thôn; Trung Lộc và Gia Hòa thuộc Tổng Tam xuân và làng Khải Mông thuộc xã Khải Mông ( nhất xã, nhất thôn) thuộc Tổng Xuân Viên, trước cách mạng tháng 8/1945 (1). Cách mạng tháng 8 thành công, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở Nghi Xuân và cả tỉnh Hà Tĩnh, không lập chính quyền cấp xã. Đến tháng 12/1945 sau ngày khôi phục lại tỉnh ủy Hà Tĩnh có chủ trương bỏ chính quyền cấp làng và Tổng, thống nhất toàn tỉnh chỉ có chính quyền ba cấp ( xã, huyện và tỉnh). Xã An Lạc có 3 thôn ( Thượng Thôn, Trung Lộc, Gia Hòa) Làng (xã) Khải Mông sát nhập với các thôn Tiên Cầu, Tả Ao , Báu Lâm và Cẩm Mỹ thành xã mới lấy tên là xã Giang Nam.
Đến cuối 1949 thực hiện chủ trương hợp xã của ủy ban kháng chiến hành chính Hà Tĩnh, hai xã An Lạc và Giang Nam hợp nhất thành xã lớn là An Giang.
Tháng 5/1954 thực hiện chủ trương của ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4, chia xã lớn thành xã nhỏ như sau cách mạng tháng 8/1945 và tất cả xã mới đều có một từ chung là Xuân. Nên xã An Giang được chia thành hai xã: Là xã Xuân An và Xuân Giang.
Xã Xuân An lúc này có 4 làng: Thượng Thôn, Trung Lộc, Gia Hòa và Khải Mông, có 447 hộ, 1806 nhân khẩu ( có gần 1/4 là giáo dân) chi bộ Đảng có 67 đảng viên.
(1) Dưới triều Nguyễn xã An Lạc cũ còn có làng Trung Lao, sau đó cắt về xã Tam Xuân Hạ và gọi là Thôn Trung Sơn thuộc xã Xuân Hồng ngày nay. BBT chưa xác định được thời gian cụ thể.
Sau gần 3 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 6/1994 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định chuyển xã Xuân An thành Thị trấn Xuân An.
Thị trấn Xuân An hiện nay có 13 tổ dân phố gồm: 2.333 hộ dân ( có 442 hộ giáo dân) với 9.278 nhân khẩu có 2029 khẩu giáo dân và 198 khẩu theo đạo phật.
Hệ thống chính trị Thị trấn Xuân An gồm.
Đảng bộ có 421 đảng viên ( 140 nữ, 7 giáo dân).
Hội Người cao tuổi: 918 hội viên.
Hội Nông dân: 1.184 hội viên.
Đoàn TNCSHCM: 196 hội viên
Cựu chiến binh: 330 hội viên
Hội LH Phụ nũ: 1.800 hội viên.
Cựu TNXP: 67 hội viên
Cựu giáo chức: 55 hội viên.
13 khối dân phố đó là:
Thượng Thôn: có 5 khối từ 1 - 5.
Trung Lộc: có 2 khối từ 6 - 7.
Gia Hòa: có 3 khối từ 8A, 8B và 9.
Khải Mông: có 3 khối từ 10 - 12.
III. KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở THỊ TRẤN XUÂN AN.
Cũng như các làng xã trong huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh, từ xa xưa người dân Xuân An sớm có đới sống tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư. Phổ biến và lưu truyền lâu dài, bền vững là các tục lề thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các bậc tiên linh trong họ tộc, gia đình, thờ gia thần. Vị gia thần quen thuộc và phổ biến nhất là Táo quân, Thổ công tiếp đến là thờ các vị tiên sư, tổ sư như thờ Thần Nông…, thờ các vị thánh hoàng làng, xã là những người có công với dân với nước…
Ngoài các tập tục ấy từ thời Lý Trần người Xuân An đã dựng chùa thờ phật, và những năm giữa thế kỷ 19, đạo Thiên chúa bắt đầu du nhập vào Xuân an.
Trước cách mạng tháng 8/1945 cũng như hiện nay ở Xuân An song song tồn tại hai tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo với tỷ lệ 25% số dân.
1. Phật giáo:
Thời Lý - Trần phật giáo rất thịnh hành ở nước ta, vùng Ngàn Hống là trung tâm Phật giáo ở Xứ Nghệ, có hệ thống chùa khá dày đặc, có vị Thiền sư nổi tiếng là Pháp Giới ở chùa Uyên Trừng ( Xuân Hồng ) cạnh làng Trung Lao xã An Lạc. Trên đất Kẻ Lau, Kẻ Lách,Khải Mông cùng sớm xuất hiện các Chùa như Thanh Lương, Phong Phạn.
Chùa có đầu tiên trên đất Thị trấn Xuân An là chùa Thanh Lương ở Khải mông tương truyền chùa này do Lý Nhật Quang con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ khi vào trấn thủ Nghệ An ( lúc này bao gồm cả Hà Tĩnh) lập ra, chùa được mang tên " Quốc Linh tự".
Đến thời Lê Thánh Tông về sau trên vùng đất xã An Lạc có thêm chùa Phong Phạn dưới chân Núi Cơm, chùa An Lộc dưới chân Núi Ranh thuộc Trung Lộc, nhưng nổi tiếng nhất là chùa Phong Phạn với nhiều tên gọi, Chùa Cơm, Chùa Kẻ Lách, Chùa An Lạc… tương truyền vua Quang Trung- Nguyễn Huệ trên đường tiến quân từ Phú xuân (Huế) ra Bắc Hà diệt 20 vạn quân Thanh có dừng chân đến vãn cảnh non nước hữu tình ở chùa và có thơ vịnh cảnh chùa Phong Phạn.
Do chủ trương " Hợp tự" nên sau 8/1948 các chùa An Lộc và Thanh Lương trở thành phế tích, chùa Phong Phạn bom đạn Mỹ phá hủy ( 1968), việc thờ phụng phật trong nhân dân ngày càng phai nhạt. Sau 1975, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, các chùa Phong Phạn và Thanh Lương được khôi phục. Đến nay ở Thị trấn Xuân An có gần 200 phật tử và hàng nghìn phật tử trong nước đến hương khói ở các chùa trên.
Trong quá trình lịch sử, đặc biệt là từ ngày có Đảng Cộng sản lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội các bậc đại đức, tăng ni, phật tử ở Xuân An đã hăng hái tham gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước, quê hương, tiêu biểu cho lòng yêu nước chống ngoại xâm của bà con phật tử ở Xuân An là nhà sư: Nguyễn Văn Thành trong kháng chiến chống Pháp đã trút áo cà sa đảm đương vai trò Chủ tịch Mặt trận Liên việt xã An Giang những năm 1949- 1954. Nhà sư Phạm Xuân Diện trụ trì chùa An Lộc, sau hợp tự, hoàn tục, gia nhập đảng làm Chủ tịch Mặt trận Xã Xuân An, đã mất do bom đạn Mỹ.
2. Thiên chúa giáo:
Theo truyền ngôn của các bậc cao tuổi trong giáo dân ở Gia Hòa kể lại thì vào những năm ra đời giáo phận nam Đàng ngoài ( 1846) thường gọi là giáo phận Vinh đặt toàn giám mục ở Xã Đoài ( Kẻ Nón Nghi Lộc - Nghệ An) quản lý giáo hội cả ba tỉnh: Nghệ An - Hà Tĩnh và Quảng Bình đạo thiên chúa mới du nhập vào đất Xuân An ngày nay. Khởi đầu là một số giáo dân theo cụ Nguyễn Đăng Quý từ bờ bắc Sông Lam sang định cư ở làng Gia Hòa - An Lạc, từ đây đạo Thiên chúa được nhanh chóng truyền đạo đến nhiều làng xã trong huyện Nghi Xuân. Ban đầu còn trực thuốc giáo xứ làng Ênh ở Nghị Lộc ( Nghệ An) đến năm 1855 Gia Hòa được tách ra lập riêng một giáo xứ độc lập bao gồm 10 họ đạo trong huyện Nghi Xuân. Đây là một trong 7 giáo xứ đầu tiên trên đất Hà Tĩnh. Đến 1955 giáo xứ Gia Hòa tách thành 2 giáo xứ là Gia Hòa và Cam Lâm. Từ đó lại nay giáo xứ Gia Hòa có5 họ tạo trong đó có 3 họ trên đất Xuân An là: Gia Hòa, Xuân Hòa và Yên Hòa và 2 họ ở Yên Lĩnh ( Xuân Hồng) và Tả Ao ( Xuân Giang).
Trải qua hơn 150 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Gia Hòa nói chung và 3 họ ở Xuân An nói riêng đã lớn mạnh không ngừng. Từ buổi đầu chưa đầy một chục con chiên làm nghề chài lưới ven Sông Lam và đốn củi, đốt than trên núi Hồng Lĩnh, đến nay bà con giáo dân ở Thị trấn Xuân An đã có 442 hộ với 2029 nhân khẩu, ngoài ra còn có hàng trăm hộ và hơn 1500 nhân khẩu đang sinh sống ở miền Nam trong giáo xứ Gia Hòa ở Bình giả.
Vượt qua mọi biến động của thời cuộc và mọi mặc cảm, đố kỵ do lịch sử để lại bà con giáo dân ở Xuân An từ trước 1945 cũng như hiện nay đã kề vai, sát cánh, chung lưng đấu cật,chia sẻ ngọt bùi với bà con không theo đạo ở trong xã, góp phần xương máu, công sức, tiền của vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước quê hương. Tiêu biểu cho tinh thần kính chúa, yêu nước của bà con giáo dân ở Xuân An là linh mục Nguyễn Hữu Minh cuối 1933 đã xuất 120 quan tiền để cứu đói cho dân nghèo Gia Hòa bị bão, lũ gây mất mùa, đói kém. Trong kháng chiến chống Pháp từ 1949 - 1954 thanh niên giáo dân ở Xuân An đã có 12 người nhập ngũ, là một trong những giáo xứ có nhiều con em đi bộ đội.
Trong những năm đầu hợp tác hóa nông nghiệp ( 1959 - 1962) Xuân An có hai chủ nhiệm hợp tác xã bậc thấp giáo dân ở An Hợp và Xuân Hoà.
Sau khi thống nhất đất nước, binh mục Nguyễn Đức Tính là người có công với giáo hội và địa phương.
Giáo xứ Gia hòa cũng tự hào có một số giáo dân trở thành cán bộ cốt cán ở huyện và thị trấn nêu gương sáng về lòng kính chúa, yêu nước, tận tậm phục vụ nhân dân.
IV. NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG TIÊU BIỂU Ở XUÂN AN.
Là một vùng đất cỗ, có núi Hồng Sông Lam bao bọc 3 phía, An Lạc - Khải Mông xưa - Thị trấn Xuân An này có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Ngoài hệ thống đình làng, đền thờ các vị thần, các miếu , am, nền tế thần Nông, các nhà thờ họ ở Xuân An còn có hàng chục di tích lớn, nhỏ đủ các dạng như: Mỏm đá, Khe nước, Đầm, Mỏm núi, bãi rộng, gò đất… nằm rải rác trên núi, ven sông, trong làng xóm và ở đồng lúa, nương khoai. Tuy lớn nhỏ khác nhau, hình thù khác nhau, nhưng " bấy nhiêu di tích là những kỷ niệm thiêng liêng có ý nghĩa giáo dục. Từ hàng trăm hàng ngàn năm nay, những lùm cây cổ thụ, những thành lũy cổ kính, những tấm bia, những pho tượng bằng đất, gỗ đã bị nứt nẻ đó vẫn góp phần quan trọng vào sự bồi dưỡng tinh thần yêu chuộng lý tưởng và ý chí hy sinh cho chính nghĩa của các thế hệ thanh niên.(1)
Tiêu biểu cho các loại hình di tích lịch sử , văn hóa, yêu nước và cách mạng ở Thị trấn Xuân An có các di tích sau.
1. Cụm di tích khảo cổ, lịch sử, văn hóa và yêu nước, cách mạng Núi Cơm.
a. Di chỉ khảo cổ học đồng thau và gốm thời đại văn hóa Đông Sơn, Núi Cơm.
Di chỉ này nằm cạnh Núi Cơm, phía trước sân chùa Phong Phạn được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1960, bước đầu khảo sát, nghiên cứu tháng 10/1962.
Từ hàng trăm hiện vật bằng đồng thau và gốm có niên đại 3000 năm thuộc văn hóa đồng thau Đông Sơn cho ta những nhận định khoa học.
Với các loại công cụ sản xuất như lưỡi cuốc, lưỡi cày, rìu, mũi tên đồng và các nồi, nắp nồi, dọi xe chỉ bằng gốm chứng tỏ con người ở đây đã tụ cư thành xóm, làng, biết sản xuất nông gnhiệp trồng lúa nước, khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng và dệt vải, đời sống tự cung tự cấp, bước đầu có dư thừa chút ít.
Các xỉ đồng còn dính trên các mảnh vở của khuôn đúc các công cụ bằng đồng nói lên ở đây có nghề đúc đồng tại chỗ, chứ không phải hiện vật từ nơi khác sản xuất ra.
Ngoài ra còn phát hiện ở di chỉ này chiếc khuyên tai bằng đá quắc đít là một loại đá không có ở Nghệ Tĩnh. Cũng tại di chỉ này còn tìm thấy chiếc khuyên tai hai đấu thú, có ba mấu. Đây là loại khuyên tai điển hình Văn hóa Sa Huỳnh của người Chăm ( Chiêm Thành) ở Nam Trung bộ. Điều đó nói lên cư dân ở vùng Núi Cơm - Kẻ Lau, Kẻ Lách xa xưa đã có sự giao lưu, trao đổi hàng hóa với các vùng, miền, xa xôi khác, có mối tương đồng với văn h