Truyền thống văn hóa

Làng nghề truyền thống trên quê hương Thị trấn Xuân An

Làng nghề chổi đót Khải Mông: 

Làng Khải Mông nay thuộc khối 12, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân ,tỉnh Hà Tĩnh. Là một làng thuần nông, nằm ở bờ hữu ngạn sông Lam, cách huyện sở huyện Nghi Xuân khoảng 2 cây số. Làng Khải Mông có đền thờ bảng nhãn Trần Bảo Tín, chùa Thanh Lương thờ Phật. Đặc biệt làng có làng nghề sản xuất chổi đót truyền thống một thời nổi tiếng ở Hà Tĩnh, Nghệ An.
Chổi đót Khải Mông bày bán tại chợ Giang Đình

Một thời nghề làm giàu

Những ngày hè oi bức tôi về khối 12 - thị trấn Xuân An, hỏi về nghề sản xuất chổi đót truyền thống, người dân nơi đây ai cũng nói nghề chổi đót một thời làm giàu, tất cả thu nhập của người dân đều trông cậy nghề làm chổi. Cụ Nguyễn Hồng Quế, đã ngoài 80 tuổi, chia sẻ: “Trước đây nghề làm chổi của làng Khải Mông từ đời xưa đến nay là nghề làm giàu, nuôi con ăn học và làm các nghĩa vụ đều sống bằng nghề chổi đót”. Người dân Khải Mông không rõ ai là người truyền nghề làm chổi đót. Làng không có đền thờ ông tổ nghề làm chổi đót. Người già ở tuổi 75- 80 cho biết khi mình sinh ra đã thấy ông cha làm nghề chổi đót rồi. Người dân nơi đây cho rằng nghề chổi đót được tổ tiên họ sáng tạo truyền dạy từ lâu lắm rồi. Làng nghề được truyền đời nối tiếp nhau từ thế hệ trước sang thế hệ sau đến tận bây giờ.

Nguyên liệu của nghề làm chổi gồm có cọc, dây mây và hoa đót. Hiện nay do mây khan hiếm, bà con dùng dây nhựa thay thế. Đót là hoa của một loài cây thân thảo thuộc họ mía sống vùng ở đồi núi. Vào mùa đót trổ hoa, người làng Khải Mông lập thành từng nhóm lên núi Hồng Lĩnh bóc hoa đót. Dấu chân họ đặt lên các đỉnh núi chùa Đá thuộc xã Xuân Lam, các đỉnh núi ở xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, đến chùa Hương Tích, khe Hai Huyện ở Can Lộc rồi vòng sang các đỉnh núi ở Cổ Đạm, Cương Gián…để khai thác hoa đốt. Người Khải Mông có câu nói cửa miệng rằng: “Đầu xã chặt gốc, cuối xã cắt ngọn”.  Đầu xã là An Thượng chặt gốc đót đan rế, đan kiềng lót nồi. Cuối xã tức Khải Mông cắt hoa đót làm chổi quét dọn nhà cửa. Ngoài việc lên núi bóc hoa đót, người thợ thủ công Khải Mông phải mang cơm gạo vào Tân Hương, huyện Đức Thọ, Trại Bò ở vùng Khe Lang huyện Can Lộc, dựng lán trại bóc mây làm nguyên liệu. Mỗi chuyến đi khai thác mây có thể kéo dài 7 -8 ngày. Tóm lại nghề làm chổi thủ công của người dân Khải Mông rất vất vả, khó nhọc, một nắng hai sương. Nhưng người dân nơi đây cũng yêu nghề và tự hào về truyền thống của quê hương mình.

Nghề sản xuất chổi đót ở Khải Mông thịnh hành nhất từ cải cách ruộng đất năm 1954 đến 2010. Quy mô làng nghề phát triển lên tới 180 - 200 hộ. Vào những năm 1954 - 1960, cả làng Khải Mông làm chổi đót. Thời điểm những năm 1960 - 1964 ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp Khải Mông có quy định ngày cho xã viên đi núi bóc hoa đót. Trong những năm 1990 của thế kỷ trước, sản phẩm chổi đót Khải Mông thịnh hành, hoạt động khai thác hoa đót ở vùng núi Hồng Lĩnh không đủ nguyên liệu cung cấp cho làng nghề truyền thống, người thợ thủ công ở làng Khải Mông vào tận tỉnh Quảng Bình, đi lên huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, thậm chí ra tỉnh Điện Biên đặt mua hoa đót. Nhiều hộ đặt mua, thuê ô tô chở về 2- 3 tấn đót là chuyện bình thường. Thợ làng nghề Khải Mông là ông Nguyễn Tuy, ông Nguyễn Trung Uyển còn được trường dạy nghề Nghệ An mời làm giáo viên dạy nghề làm chổi đót cho học viên đang điều dưỡng ở trại thương binh và các cơ sở khuyết tật. Người làng Khải Mông tự hào là một trong những nơi phát sinh và truyền dạy nghề làm chổi tại địa phương.

Nghề làm chổi đót ở Khải Mông tuy vất vả, khó nhọc nhưng đem lại niềm vui góp phần làm sạch nhà cửa môi trường sinh hoạt của người dân. Trước đây, về mặt kinh tế vào thời điểm từ năm 2010 về trước, nghề làm chổi đem lại nguồn thu nhập đáng kể đối với nông dân trong vụ nông nhàn.

Chổi được gánh bộ hoặc chở bằng xe thồ sang nhập cho các đại lý ở chợ Vinh và các chợ quê xứ Nghệ, chổi đót Khải Mông được người dùng ưa thích vì bền, đẹp, lâu hỏng. Làng nghề quanh năm sản xuất chổi đót, không những bán ra thị trường tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An mà còn đưa ra thủ đô Hà Nội, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Ế ẩm vẫn giữ nghề

Tuy nhiên hiện nay, các cơ sở sản xuất chổi đót ở Nghệ An, Đà Nẵng cạnh tranh và các mặt hàng lau chùi hiện đại phát triển mạnh, đã tác động đến nghề truyền thống của làng Khải Mông. Từ năm 2010 trở lại đây, làng nghề sản xuất chổi đót Khải Mông đang trên bờ vực thẳm, có nguy cơ thất truyền. Chị Lê Thị Hoa cho biết: “Ở làng nghề sản xuất chổi đót thủ công khối 12 thị trấn Xuân An (Khải Mông) nay chỉ có khoảng 9 - 10 hộ như các gia đình Lý Vinh, Hồng Sơn, Quang Quyển, o Hoa, o Hải…làm chổi đót, hàng ngày đem đi bán ở chợ Giang Đình, thị trấn Nghi Xuân”.

Theo bà con làng nghề, hiện nay núi Hồng Lĩnh rất khan hiếm hoa đót. Bà con phải đặt mua hoa đót ở Thạch Hà và nước bạn Lào với giá 25.000 đồng 1kg hoa đót. Giá nguyên liệu (hoa đốt, dây kết) đắt đỏ, nhưng sản phẩm lại rẻ, lời lãi chẳng đáng là bao nhưng vẫn làm bởi “đi còn hơn nghỉ”!. Chổi hàng giá chỉ 25.000 đến 30.000 đồng, chổi đặt thì 50.000 đồng mỗi chiếc. “Hàng họ ế ẩm bởi nhiều mặt hàng phục vụ hộ gia đình hiện đại cạnh tranh. Chổi không bán được, có khi ngồi cả buổi chợ chỉ bán được 1,2 cái thôi anh ạ”. Chị Hải nói.

Hàng họ ế ẩm vẫn giữ nghề. Yêu nghề, những người đang nắm giữ nghề thủ công truyền thống của cha ông truyền dạy vẫn bám lấy nghiệp 1 nhúm đót, một nắm rạ, 1 cái cọc và 1 sợi dây dùng xòe chổi. Những người thợ làng nghề làm chổi làng Khải Mông trên quê hương bảng nhãn Trần Bảo Tín đã và đang góp phần làm môi trường sạch, đẹp trong công cuộc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

 

 

Tác giả bài viết: CTV Đặng Viết Tường