CHUYỆN VỀ VỊ BẢNG NHÃN ĐƯỢC PHONG THÁNH - THƯỢNG THƯ TRẦN BẢO TÍN!
Trần Bảo Tín (chữ Hán: 陳保信) là một danh thần thời Hậu Lê.
Để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công với Quê hương, đất nước, hàng năm vào ngày 25 tháng 10 Âm lịch, UBND thị trấn Xuân An tổ chức lễ Giỗ Danh nhân Trần Bảo Tín.
Trần Bảo Tín sinh năm 1483 tại làng Khải Mông, nay thuộc Tổ dân phố 11 thị trấn Xuân An. Theo khảo cứu của dòng họ Trần ở địa phương, thì Trần Bảo Tín là cháu nội của Trần Nguyên Hãn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” dưới triều vua Tự Đức cũng ghi chép và công nhận về điều này. Năm 29 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực”. Trần Bảo Tín làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông ẩn cư ở núi Hành Sơn rồi mất. Nhà Lê trung hưng truy tặng ông chức Thượng thư, phong Phúc thần”.
Con cháu Bảng nhãn Trần Bảo Tín sau này nhiều người trở thành các nhà khoa bảng, tướng quân được phong tước, phong hầu, như: Trần Văn Đức, Văn Bân, Công Vinh, Công Hoa… Khi Trần Bảo Tín qua đời dân làng đã an táng và lập đền thờ ông tại núi Hồng Lĩnh, phong ông là Thành hoàng làng, các triều vua cũng phong ông là “Bảo quốc Trung trinh Đại phu bộ Lại Thượng thư Trần tướng công".
Tương truyền nơi đặt mộ Trần Bảo Tín là một huyệt đất thiêng hiếm có. Sách “Đại Nam thực lục” chép về Lận Sơn trong cuộc chiến năm 1660, quân hai nhà Trịnh - Nguyễn đánh nhau: “Trịnh Căn (chúa) họp các tướng để hỏi trước. Trần Công Bách đáp rằng: Lận Sơn là nơi tất phải tranh lấy. Hễ chiếm được Lận Sơn trước thì thắng…”. Tại di tích Bảng nhãn Trần Bảo Tín, trong đền trước đây còn có bài thờ Hán tự đặt trên thượng điện, được lưu truyền và sử sách ghi chép:
Cù Sơn hữu nhất huyệt
Tiền di Lam giang vi án
Hậu hữu Nga mi vi chẩn
Long hổ hữu tinh, quần sơn vọng bái.
Năm 2008, Đền thờ và lăng mộ Danh nhân Trần Bảo Tín được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.